Hiển thị các bài đăng có nhãn hung 12. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn hung 12. Hiển thị tất cả bài đăng

Tê nhức chân, tay do đâu?

Tôi 40 tuổi, bị tê 2 đầu ngón chân cái sau đó lan sang các ngón khác, đau tức vùng bắp chân. Có lúc lại thấy tê cả tay. Xin hỏi tôi phải đi khám chuyên khoa nào?

Dương Thị Thúy Hà(duongha2007@gmail.com)

Tê nhức chân tay là chứng bệnh khá phổ biến ở nhiều lứa tuổi và nghề nghiệp khác nhau. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu để kéo dài sẽ gây ra các biến chứng như teo cơ, liệt cơ, khó đi lại, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Thông thường, tê chân tay khởi phát rất nhẹ nhàng như tê các đầu ngón tay, cảm giác như châm chích, dị cảm, kiến bò, tê buốt, chuột rút rất khó chịu. Càng về sau mức độ tê đau càng tăng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tê nhức chân tay là do ít vận động, chế độ ăn uống không hợp lý với nhiều dầu mỡ, áp lực trong công việc, do ngồi, đứng, ngủ sai tư thế, lao động nặng, ngồi máy tính liên tục, chạy xe nhiều giờ, đứng hoặc ngồi xổm một chỗ với một tư thế quá lâu... Ở người bệnh đái tháo đường nếu việc điều trị, kiểm soát đường huyết không tốt dẫn đến biến chứng, người bệnh sẽ bị tê nhức cả chân và tay. Nếu ở giai đoạn sớm, người bệnh chỉ có rối loạn cảm giác ở hai chi dưới và bàn tay khiến người bệnh có cảm giác tê bì. Khi có biểu hiện tê chân tay thì người bệnh phải đến ngay bác sĩ để được khám và chẩn đoán chính xác bệnh. Đồng thời, cần làm các xét nghiệm để tìm ra căn nguyên của bệnh như bệnh đái tháo đường, bệnh do thiếu vitamin, rối loạn chức năng gan - thận cũng như rối loạn chuyển hóa và dấu hiệu bất thường của hệ miễn dịch, kiểm tra hoạt động của hệ thần kinh hoặc có thể chụp CT, chụp cộng hưởng từ... để phát hiện xem có sự chèn ép thần kinh... Tóm lại, bạn nên khám chuyên khoa nội - thần kinh.

BS. Đinh Thị Thanh

Đề phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus

Sau khi bị lây nhiễm khoảng 24h đến 48h, bệnh bắt đầu bằng những biểu hiện: sốt, ói mửa nhiều và sau đó là tiêu chảy. Phân lỏng hoàn toàn, có lúc màu xanh nhưng không có máu, tiêu chảy và nôn ói lên đến 20 lần mỗi ngày. Do bị nôn và đi tiêu lỏng nhiều nên trẻ rất dễ bị mất nước, nhanh chóng khô kiệt nếu không được chăm sóc kịp thời. Thông thường bệnh kéo dài từ 3 đến 8 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 2 tuần, dù trẻ đã chơi và ăn trở lại.

Do lớp bảo vệ của ruột non bị phá hủy vì tổn thương do Rotavirus nên ảnh hưởng đến sự hấp thu của thức ăn đặc biệt là sữa. Khi đó, trẻ có thể trở nên không dung nạp men lactose (men phân hủy sữa) khiến bé tạm thời không thể hấp thu sữa hoàn toàn và tiếp đến có những triệu chứng như đau bụng, đau mông, tiêu chảy nhiều hơn và đầy hơi, khó tiêu. Điều này dẫn đến tình trạng sụt cân và suy dinh dưỡng ở trẻ bị tiêu chảy. Các biến chứng liên quan tới sự mất cân bằng muối và nước có thể dẫn đến suy yếu, đầy hơi và mất cân bằng acid máu, thường phải nhập viện kịp thời để điều trị. Khi không được điều trị thích hợp, tiêu chảy có thể dẫn đến tử vong.

Rửa tay bằng xà phòng là giải pháp ngừa bệnh tiêu chảy do Rotavirus.

Xử lý khi trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus

Tiêu chảy cấp do Rotavirus là bệnh có khả năng lây lan nhanh, với đường lây truyền phổ biến là phân - miệng. Khi trẻ cầm nắm đồ chơi hoặc chạm tay vào các bề mặt có virut rồi đưa tay lên miệng, virut sẽ dễ dàng xâm nhập vào đường tiêu hóa của trẻ và gây bệnh. Virut gây bệnh này có thể sống nhiều giờ trên bàn tay, vài ngày trên các bề mặt rắn và tồn tại đến 21 ngày trong phân. Vì vậy, nếu trẻ bị bệnh nên cho trẻ nghỉ học cho đến khi hết tiêu chảy để tránh lây lan cho các trẻ khác. Giữ vệ sinh tay sạch sẽ, rửa tay sạch bằng xà phòng là biện pháp cơ bản để phòng bệnh. Nên tập cho trẻ có thói quen rửa tay trước khi cầm nắm thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

Bù nước là phương pháp điều trị cơ bản cho bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy. Trong đó, bù nước bằng đường miệng vẫn là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất. Cần bù nước cho trẻ bằng oresol: pha đúng cách theo chỉ dẫn của gói thuốc, với trẻ nhỏ uống oresol từng thìa nhỏ, 1-2 phút/thìa, bù nước 50ml oresol sau mỗi lần đi ngoài. Nếu trẻ không thể bù nước bằng đường uống và có biểu hiện mất nước, cần đưa ngay đến bệnh viện để truyền dịch kịp thời. Dinh dưỡng cho trẻ: cho trẻ ăn uống thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa, cho trẻ ăn từng thìa nhỏ, nếu trẻ bị nôn ói, cho trẻ nghỉ một chút rồi cho ăn lại, chậm hơn.

Kháng sinh không có tác dụng đối với bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus. Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ bị các thuốc này làm giảm nhu động ruột, làm liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài, làm virut - nguyên nhân gây tiêu chảy ứ đọng lâu hơn, lâu ngày có thể dẫn đến trướng bụng, tắc ruột, tử vong...

Phân biệt tiêu chảy do rotavirus và tiêu chảy thông thường

Tiêu chảy do Rotavirus là căn bệnh phổ biến và nguy cơ cao đe dọa tính mạng trẻ, tuy nhiên rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh tiêu chảy do những nguyên nhân khác nên nhiều cha mẹ không biết cách xử lý kịp thời dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Tiêu chảy do nhiễm Rotavirus nguy hiểm hơn tiêu chảy do các nguyên nhân khác. Tiêu chảy do Rotavirus thường gây nôn, vì vậy việc điều trị cho trẻ gặp khó khăn hơn các loại bệnh tiêu chảy khác. Di chứng thường gặp sau thời gian mắc bệnh là trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng. Cha mẹ cần nắm được những triệu chứng tiêu chảy do Rotavirus như trên để phân biệt.

Tiêu chảy do vi khuẩn: Liên quan mật thiết đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiêu chảy do độc tố vi khuẩn: Vibrio cholerae, E.coli, Clostridium difficile, tụ cầu (phân có nhiều nước, không có bạch cầu hoặc hồng cầu trong phân). Tiêu chảy do bản thân vi khuẩn (tiêu chảy xâm nhập): Shigella, Salmonella, E. coli, Campylobacter, Yersinia (phân thường có nhầy, đôi khi có máu). Biểu hiện lâm sàng chung thường thấy là: sốt, nôn, đau bụng và tiêu chảy nhiều lần/ngày.

Tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả: Đó là do nhiễm vi khuẩn tả từ nguồn thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Khi nhiễm vi khuẩn tả bệnh sẽ có biểu hiện cấp tính, bùng phát trong vài giờ hoặc trong vài ngày tùy thể trạng mỗi người. Những biểu hiện của người bị bệnh tả sẽ là: bụng đau quặn thắt, đi cầu xối xả, liên tục 10-15 lần/ngày, phân lỏng toàn nước. Đặc biệt, phân rất tanh có màu trắng đục như nước vo gạo, phân thải ra không kèm máu và chất nhầy, miệng nôn thốc. Do đi ngoài nhiều, người bệnh nhanh chóng bị mất nước. Nếu không được cứu chữa kịp thời, bệnh nhân dễ bị trụy mạch, có biến chứng, thậm chí tử vong nhanh chóng.

Dấu hiệu trẻ đi tướt mọc răng: Đi tướt mọc răng là một hiện tượng hoàn toàn bình thường ở một số trẻ em. Tuy nhiên đây cũng là một vấn đề khá nhức nhối với các mẹ khi cho rằng bé yêu của mình đã bị tiêu chảy. Do trong quá trình mọc răng của bé, một loại enzym được phóng thích kết hợp với lượng nước bọt nhiều hơn thông thường khi bé nuốt vào sẽ gây ra hiện tượng đi tướt. Đi tướt mọc răng có hiện tượng không khác gì nhiều so với các hiện tượng tiêu chảy khác. Một ngày có thể bé sẽ bị đi tướt đến 4, 5 lần, phân không sống, nhầy, không có bọt, có màu vàng hơi xanh xanh hoa cà hoa cải. Tuy nhiên, khi bé bị đi tướt mọc răng bé vẫn chơi, ăn uống và hoạt động như bình thường, không sốt, không quấy khóc.

BS. Lê Anh

Dấu hiệu nhận biết trẻ khiếm thính cha mẹ cần đọc ngay

Xúc động khoảnh khắc trẻ khiếm thính lần đầu nghe được âm thanh

Theo PGS.TS. Lê Công Định, ở từng nhóm tuổi của trẻ, cha mẹ cần chú ý cụ thể như sau:

- Trẻ sơ sinh: Dựa trên phản xạ nghe – cử động của trẻ. Bình thường trẻ chớp mắt, cử động chân tay, khóc, hoặc giật mình khi có tiếng động. Trẻ bị khiếm thính sẽ không có các đáp ứng trên.

- Trẻ vài tháng đến 1 tuổi: Biết chú ý, nhìn, quay đầu theo hướng phát âm của các dụng cụ như lục lạc, chuông. Khi nghe các âm quá to như tiếng sấm, còi ô tô... sẽ giật mình, thức giấc hoặc khóc. Trẻ khiếm thính sẽ không có các phản xạ này.

- Trẻ từ 1- 3 tuổi: Đã biết nói theo, nói được các từ thông thường như bà, mẹ, ăn.... Nếu khiếm thính trẻ biểu hiện chậm nói, nói ngọng, hay không nói được. Trẻ không phản ứng khi người lớn hỏi, gọi hoặc chỉ đáp ứng trước các âm thanh có cường độ lớn.

- Trẻ trên 3 tuổi: Các dấu hiệu như trên ngày càng rõ rệt như nói quá ngọng, chỉ nói được một số phụ âm hay nguyên âm nào đó.

- Trẻ ở lứa tuổi học đường: Trẻ nghe kém, tiếp thu bài chậm, học kém so với các bạn cùng lớp, không tập trung, dễ cáu, không muốn tiếp xúc, trò chuyện, không muốn tham gia các hoạt động tập thể ...

Trung tâm Thính học Việt Nam - Nhật Bản sẽ giúp sàng lọc và phát hiện sớm nghe kém ở trẻ sơ sinh.

Sàng lọc điếc bẩm sinh cho trẻ sơ sinh

Trong khuôn khổ hợp tác giữa BV Bạch Mai và Văn phòng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), BV Bạch Mai đã khai trương Trung tâm Thính học Việt Nam – Nhật Bản. Với hệ thống trang thiết bị hiện đại đồng bộ bậc nhất Việt Nam, Trung tâm Thính học có thể:

Chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về Tai ở cả người lớn và trẻ em như: viêm nhiễm, khối u, dị dạng bẩm sinh, chấn thương, lão thính...

Sàng lọc và phát hiện sớm nghe kém ở trẻ sơ sinh để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Thực hiện các thăm dò chức năng về tai như: đo thính lực, đo nhĩ lượng, đo chức năng vòi tai, đo âm ốc tai .. để giúp cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh chính xác, kịp thời.

Tư vấn và hiệu chỉnh máy trợ thính cho bệnh nhân suy giảm sức nghe có chỉ định đeo máy trợ thính.

Đặc biệt, trung tâm được trang bị 2 máy đo âm ốc tai để khám sàng lọc phát hiện khiếm thính ở trẻ sơ sinh. Hiện nay, Trung tâm đang phối hợp với Khoa Nhi và khoa Sản để triển khai khám sàng lọc bệnh điếc bẩm sinh cho trẻ sinh ra tại BV Bạch Mai.

D.Hải

Nguyên nhân và cách xử trí bí tiểu

Ở người bình thường đi tiểu là một phản xạ và theo ý muốn, có sự kết hợp hài hòa giữa sự co bóp mạnh của bàng quang và sự giãn nở thật rộng của cổ bàng quang, dưới sự chi phối của hệ thần kinh trung ương, đồng thời không có sự gây cản trở gì ở bàng quang, niệu đạo. Được gọi là bí tiểu khi bàng quang chứa đầy nước tiểu nhưng không thể tiểu được. Bí tiểu (bí đái) gặp chủ yếu ở người trưởng thành. Bí tiểu nếu không xử trí kịp thời có thể để lại hậu quả xấu.

Nguyên nhân gây bí tiểu?

Bình thường, khi bàng quang chứa đầy một lượng nước tiểu nhất định (khoảng từ 250ml-300ml) sẽ gây kích thích buồn tiểu và đi tiểu. Bí tiểu sẽ xảy ra khi lượng nước tiểu trong bàng quang đã đủ đầy nhưng không tiểu được. Nguyên nhân gây bí tiểu rất đa dạng, nếu thành bàng quang không co bóp đủ mạnh có thể do sự mất liên hệ với hệ thần kinh thực vật điều khiển tiểu tiện hoặc có thể do chấn thương cột sống hoặc do chấn thương vỡ xương chậu hoặc do bệnh của bàng quang (thành bàng quang bị chai xơ do viêm mạn tính hoặc bàng quang viêm cấp, viêm mạn tính, hoặc do sỏi, u, túi thừa bàng quang, xơ cứng cổ bàng quang...).

Vận động cơ thể thường xuyên giúp phòng bí tiểu. Ảnh: TM

Một số trường hợp sỏi của bàng quang di chuyển đến bịt lỗ thông bàng quang với niệu đạo, gây cản trở lưu thông nước tiểu, thậm chí tắc hẳn gây bí tiểu. Bí tiểu có thể do viêm niệu đạo mạn tính gây xơ hóa, chít hẹp niệu đạo bởi do viêm nhiễm vì bệnh lậu hoặc bệnh do vi khuẩn Chlamydia (cả nam, cả nữ) hoặc xơ cứng niệu đạo do chấn thương làm giập, vỡ niệu đạo.

Ở nam giới bí tiểu còn có thể do bệnh của tiền liệt tuyến (viêm, tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến hoặc u lành hoặc u ác tính) sẽ đè, chèn ép vào cổ bàng quang.

Ở nữ giới, bí tiểu, ngoài các nguyên nhân kể trên còn có thể do bệnh thuộc tiểu khung đè nén vào bàng quang (u xơ tử cung, u nang buồng trứng). Một số trường hợp bí tiểu nhất thời có thể là do tâm lý (đi tàu xe chật chội, ngồi họp với thời gian lâu,...).

Biểu hiện của bí tiểu

Hầu hết người bệnh bị bí tiểu đều có đau, tức bàng quang vùng trước xương mu, gây cảm giác rất khó chịu kéo dài nếu không được điều trị (nội khoa) hoặc không được thông tiểu (can thiệp ngoại khoa), gây nên nỗi khổ thường trực hàng giờ, hàng ngày cho người bệnh. Người bệnh thường có cảm giác rát và luôn mót đi tiểu nhưng không tiểu được, điều đó càng làm cho người bệnh khó chịu, bứt rứt hơn.

Ảnh hưởng xấu của bí tiểu là gì?

Bí tiểu có cảm giác rất khó chịu, đau, rát bàng quang, đặc biệt khi có kèm theo viêm cấp hoặc mạn tính bàng quang, vì vậy, sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh (buồn tiểu nhưng không tiểu được, nhất là ban đêm gây mất ngủ kéo dài và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Nếu bí tiểu không được thông tiểu hoặc bí tiểu tái phát nhiều lần làm ứ đọng nước tiểu, từ đó có thể làm viêm nhiễm bàng quang, gây viêm ngược dòng, viêm thận và ảnh hưởng lớn đến chức năng thận, thậm chí gây suy thận.

Xử trí thế nào khi bí tiểu?

Trước hết, khi bị bí tiểu cần được khám bệnh càng sớm càng tốt để xử trí kịp thời (thông tiểu), đồng thời xác định nguyên nhân để có hướng điều trị. Thông tiểu cần hết sức chú ý vô khuẩn tuyệt đối dụng cụ y tế (kể cả các thao tác thông tiểu của người điều dưỡng thực hiện), nếu không, có thể gây viêm đường tiết niệu do dụng cụ y tế hoặc do nhân viên y tế gây ra (gọi là nhiễm khuẩn tiết niệu bệnh viện). Có những nguyên nhân gây bí tiểu không thể điều trị trong ngày một, ngày hai (viêm bàng quang, bệnh của tiền liệt tuyến ở nam giới, chấn thương cột sống, chấn thương xương chậu, xơ hóa niệu đạo...), vì vậy, cần phải có sự kiên trì trong điều trị dưới sự chỉ định dùng thuốc và tư vấn của bác sĩ.

Nguyên tắc phòng bệnh

Cần điều trị tích cực các bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu, bệnh tiểu khung (nữ giới), bệnh của tiền liệt tuyến (nam giới) để không ảnh hưởng đến bàng quang và không gây cản trở sự đẩy nước tiểu ra ngoài (tiểu tiện). Ngoài ra, cần vận động cơ thể thường xuyên, đều đặn như đi bộ, tập thể dục dưỡng sinh, bơi, chơi cầu lông để cho mọi cơ quan của cơ thể hoạt động, khí huyết lưu thông, bàng quang và cổ bàng quang co bóp nhịp nhàng thuận lợi cho việc đi tiểu. Những người có bệnh mạn tính về bàng quang, tiểu khung (phụ nữ) không nhịn tiểu và không nên ngồi lâu làm ứ đọng nước tiểu càng dễ dẫn đến bí tiểu.

BS. Việt Thanh

Chứng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

Con tôi 8 tháng tuổi, từ khi sinh ra cháu hay bị trớ sữa và nay thường xuyên nôn lượng bột vừa ăn. Tôi nghe nói đây là biểu hiện của chứng trào ngược dạ dày thực quản. Mong bác sĩ chỉ dẫn nhận biết chứng bệnh này.

Lê Hoa(Hà Nội)

Ở trẻ em, do chức năng tiêu hóa chưa hoàn chỉnh nên trẻ rất dễ bị mắc chứng trào ngược dạ dày (DD) - thực quản (TQ). Sau khi nuốt, thức ăn sẽ đi từ miệng xuống ống TQ rồi vào DD. Ở chỗ TQ nối với DD có một số cấu trúc đặc biệt làm TQ đóng lại, giúp thức ăn không bị trào ngược trở lên khi DD co bóp, trong đó quan trọng nhất là cơ hoành và cơ vòng dưới TQ. Trong một số trường hợp, do bất thường trong cấu trúc cơ hoành, hoặc thường gặp hơn là do cơ vòng dưới TQ thường xuyên giãn ra, khi DD co bóp mạnh làm cho luồng thức ăn bị trào ngược lên trên. Đó là tình trạng trào ngược DD - TQ. Có đến 2/3 trẻ nhỏ đã gặp phải tình trạng này trong những tháng đầu đời. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ thoái lui khi trẻ lớn lên nhờ các cấu trúc của đường tiêu hóa dần hoàn chỉnh và chế độ ăn cũng đặc dần, chỉ 5% trẻ tiếp tục vẫn bị trào ngược sau 1 tuổi.

Nếu bé dưới 6 tháng tuổi, một ngày bị trớ sữa vài lần nhưng vẫn vui vẻ, lên cân tốt, không bị khò khè tái đi tái lại... thì nhiều khả năng chỉ là trào ngược sinh lý. Nếu trẻ vẫn thường ọc sữa sau 1 tuổi, chậm lên cân, gầy gò, sợ ăn, khò khè, viêm phổi tái phát nhiều lần... thì nhiều khả năng trào ngược đã trở thành bệnh lý và có các biến chứng: viêm thực quản, bé sẽ dễ bị ho, khò khè kéo dài mà không đáp ứng với các điều trị thông thường.

Nếu cháu bị trớ sữa và thức ăn đặc thường xuyên thì chị nên cho con đi khám chuyên khoa tiêu hóa để có hướng dẫn chăm sóc trẻ.

BS. Thanh Nga

Biểu hiện u nang buồng trứng

Thỉnh thoảng tôi bị đau bụng dưới lan ra sau lưng, vừa qua đi siêu âm bác sĩ nói bị u nang buồng trứng nhưng nhỏ. Xin hỏi u nang buồng trứng có những biểu hiện gì? Cách điều trị thế nào?

Vương Thu Trà (Hải Dương)

U nang buồng trứng là một loại u lành tính. Đây là những túi chứa đầy dịch ở trong hoặc trên bề mặt của buồng trứng. Nhiều phụ nữ bị u nang buồng trứng nhưng với kích thước nhỏ và không hề gây bất cứ ảnh hưởng hay khó chịu nào, có khi tồn tại suốt đời của họ. Tuy nhiên, một số u nang có thể gây ra triệu chứng nặng có thể đe dọa tính mạng. Khi bị u nang buồng trứng, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng và dấu hiệu sau: Đau vùng chậu (bụng dưới và hai hố chậu) liên tục hoặc từng cơn, có thể lan ra sau lưng hoặc xuống hai đùi; đau nhiều ở khung chậu khi bắt đầu hoặc kết thúc kì kinh; xuất huyết âm đạo bất thường; đau khung chậu khi giao hợp; đầy nặng bụng; nôn, buồn nôn hoặc căng vú tương tự như khi có thai; khó khăn khi đại, tiểu tiện. Trong những trường hợp đau bụng dữ dội có kèm theo sốt và nôn thì có thể đó là dấu hiệu xoắn nang cần phải đi cấp cứu ngay lập tức. Về điều trị u nang buồng trứng phụ thuộc kích thước nang. Nếu kích thước nang nhỏ, bạn sẽ được khuyên dùng một số loại thuốc ngừa thai để có thể giúp ngăn cản sự thay đổi và phát triển u nang. Với các u nang đường kính lớn hơn 3cm, mật độ chắc, kích thước thay đổi nhanh, tồn tại lâu… sẽ được chỉ định phẫu thuật.

BS. Phương Thu

Cảnh báo bệnh giãn tĩnh mạch chân ngày càng trẻ hóa

Giãn tĩnh mạch chân ở nữ giới thường gặp nhiều hơn so với nam giới. Đây là tình trạng suy yếu chức năng của các tĩnh mạch ở chân, tức là việc dẫn máu về tim không còn hiệu quả nữa, gây ứ đọng máu ở phần thấp của chân và lan lên dần

Người nửa đêm phải dậy dội nước lạnh vào chân, người lại phải từ bỏ dày cao gót…

Tại hội thảo về giãn tĩnh mạch chân diễn ra ngày 2/7 ở BV Tim Hà Nội, chị Trần Phương- 42 tuổi ở Cầu Giấy Hà Nội kể: Khoảng 2 năm nay, nhiều đêm liền cứ ngủ được 1-2 tiếng là cả hai chân của chị nóng râm ran, có lần nóng quá, không thể ngủ nổi, chị Phương đã phải dậy lấy chậu nước lạnh xối liên tục từ bắp chân trở xuống. “Tôi phải xối nước nhiều lần mới hết cảm giác nóng râm ran ở chân và sau đó mới có thể ngủ được”- Chị Phương nói.

Qua câu chuyện với chị Phương được biết, cách đây khoảng 7 năm chị đã thi thoảng bị dấu hiệu nóng râm ran ở chân, tưởng thiếu can xi, do công việc văn phòng phải ngồi suốt ngày nên chị đã đi khám và làm xét nghiệm can xi máu. Tuy nhiên, kết quả cho thấy chị không bị thiếu can xi. Cứ bẵng đi vài năm thi thoảng dấu hiệu đó vẫn diễn ra. Và 2 năm gần đây dấu hiệu này xảy ra thường xuyên hơn, khiến cho chị thường xuyên bị mất ngủ.

Chân bị nóng râm ran về đêm khiến chị Phương thường xuyên mất ngủ                  Ảnh minh họa

Khác với chị Phương, chị Thanh Mai (Linh Đàm- Hà Nội) dáng dong dỏng cao, nên chị thường chọn váy và giày cao gót từ 7-9 cm là thời trang công sở chính của mình. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chị Mai thường xuyên bị đau mỏi bàn chân, bắp chân, có lần phải đi lại nhiều trong cuộc họp, chị đã phải vội bỏ giày ra để đi đôi dép lê lẹt bẹt mới đỡ cảm giác đau mỏi đó. Tuy nhiên, hôm sau đi đôi giày cao vào chân là chị Mai lại bị đau mỏi chân như cũ. Qua tìm hiểu chị Mai nghi ngờ mình bị suy giãn tĩnh mạch chân nên đã đi khám tầm soát.

Trường hợp của chị Phương, chị Mai không phải là hiếm bởi ngay tại chương trình tầm soát bệnh giãn tĩnh mạch chân ngày 2/7, đã có hàng trăm bệnh nhân, đa phần trong đó là phụ nữ các độ tuổi đến thăm khám.

Bệnh ngày càng trẻ hóa

Theo PGS.TS Đinh Thị Thu Hương bệnh giãn tĩnh mạch chân hay suy tĩnh mạch là bệnh mạn tính, thường gặp ở phụ nữ và người lớn tuổi- do quá trình lão hóa các cơ quan theo tuổi tác. Nhưng hiện nay nó cũng đang xuất hiện nhiều ở giới trẻ. Giãn tĩnh mạch chân ở nữ giới thường gặp nhiều hơn so với nam giới. Đây là tình trạng suy yếu chức năng của các tĩnh mạch ở chân, tức là việc dẫn máu về tim không còn hiệu quả nữa, gây ứ đọng máu ở phần thấp của chân và lan lên dần. Những người có nguy cơ cao mắc là: phụ nữ trong độ tuổi 35 -50, làm công việc đứng lâu, ngồi nhiều và đang có triệu chứng sớm như đau, sưng, nặng chân về chiều.

Mới đầu, người bệnh có thể thấy những hình mạng nhện màu đỏ hoặc màu xanh ở bắp chân. Khi bệnh nặng hơn, máu bị ứ trệ ở chân khiến người bệnh có cảm giác khó chịu ở chân: căng tức ở bắp chân, mỏi chân... và có các biểu hiện của hội chứng chân không nghỉ (phải rung hoặc gác chân mới có cảm giác dễ chịu). Nặng hơn nữa thì chân bị thay đổi màu sắc da, loạn dưỡng và chàm hóa da. Nhiều trường hợp không được điều trị, chân sẽ bị loét, thường là ở cổ chân. Bệnh dễ dẫn đến biến chứng như hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch giãn, có thể lan lên phổi gây tắc động mạch phổi, có thể dẫn đến tử vong. Sưng, mỏi chân; nặng bắp chân; kiến bò dọc cẳng chân; chuột rút ban đêm có thể là những biểu hiện của bệnh giãn tĩnh mạch chân. Tuy nhiên, nhiều người lại không chú tâm đến nó mà chỉ nghỉ mỏi chân vì đi cả ngày, đôi giày quá chật...

Chân bị giãn tĩnh mạch

Triệu chứng thường gặp:

Các triệu chứng thường gặp nhất của bệnh giãn tĩnh mạch chân trong giai đoạn đầu là phù hai chi dưới đi kèm với cảm giác nặng, chuột rút về ban đêm, triệu chứng này sẽ bớt khi bệnh nhân kê chân cao buổi tối khi đi ngủ.

Về sau, các triệu chứng nặng dần và xuất hiện các mảng rối loạn dinh dưỡng trên da và các tĩnh mạch giãn dần, nổi ngoằn nghoèo, có thể có những đợt viêm tắc tĩnh mạch với các triệu chứng nhiễm trùng toàn thân như sốt cao, môi khô lưỡi dơ và tại chỗ tĩnh mạch bị viêm đỏ, bên trong lòng xuất hiện những cục thuyên tắc cứng...

Đi giày cao gót nhiều dễ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân

Biến chứng :

Là chuyên gia về lĩnh vực này, PGS.TS Đinh Thị Thu Hương cho biết, nếu không phát hiện sớm để điều trị phù hợp, bệnh giãn tĩnh mạch chân sẽ có những biến chứng như: Trước tiên là các biến chứng về rối loạn huyết động học: cẳng chân bệnh nhân bị sưng to, có triệu chứng đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút về đêm.

- Nặng hơn bệnh nhân có thể bị viêm tắc tĩnh mạch, chân nóng, sưng đỏ, các tĩnh mạch nông nổi rõ và viêm cứng.

- Giai đoạn cuối cùng có thể diễn tiến đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, các tĩnh giãn rất lớn, ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng của da chân phía dưới gây viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị.

- Cục thuyên tắc có thể tách rời khỏi thành tĩnh mạch, đi về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, một biến chứng rất nặng có thể đưa đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Điều trị thế nào?

Khuyến khích bệnh nhân có nguy cơ cao về suy tĩnh mạch như phụ nữ trong độ tuổi 35 – 50, làm công việc đứng lâu, ngồi nhiều và đang có triệu chứng sớm như đau, sưng, nặng chân về chiều nên đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm.  Tùy vào cấp độ của bệnh mà các bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp khác nhau: điều trị bệnh dùng thuốc hoặc phẫu thuật chích xơ, rút bỏ tĩnh mạch bị giãn, suy...

Người bệnh cần duy trì một chế độ sinh hoạt năng động, đi bộ hằng ngày, chú ý giữ cân nặng cơ thể hợp lý, bỏ thuốc lá...

 

Với thông điệp “Hãy biết yêu đôi chân bạn”- Chương trình tầm soát suy tĩnh mạch mạn tính miễn phí sẽ được tổ chức trong tháng 7-8 tại nhiều bệnh viện lớn của Hà Nội (gồm Bệnh viện Bạch Mai, Tim Hà Nội và Saint Paul ) và tại TP HCM là các bệnh viện Nhân dân Gia Định, quận Tân Phú, Chợ Rẫy, Bệnh viện 115, Bệnh viện Trưng Vương.Chương trình nhằm hướng con người đến một cuộc sống lành mạnh, qua những bài thuyết trình, tư vấn của bác sỹ chuyên khoa có bề dày kinh nghiệm sẽ tư vấn những kiến thức, kinh nghiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe thông qua chế độ ăn uống, luyện tập và sinh hoạt cho người bệnh. Ở mỗi nơi chương trình diễn ra đều làm gia tăng nhận thức người dân về bệnh suy tĩnh mạch mạn tính. Việc tầm soát sớm bệnh suy tĩnh mạch giúp người dân điều trị bệnh kịp thời và hiệu quả.

 

Thái Bình

Bất đồng nhóm máu mẹ con: Phòng ngừa và chữa trị

Bất đồng nhóm máu mẹ con hay nhóm máu không tương thích Rhesus (Rh) là khi một người mẹ có nhóm máu Rh âm nhưng mang thai đứa con có nhóm máu Rh dương dẫn đến hiện tượng huyết tán ở trẻ sơ sinh (bệnh Rhesus).

Vì sao lại có hiện tượng bất đồng nhóm máu mẹ con?

Yếu tố Rhesus (Rh) là một kháng nguyên hay protein đặc biệt trên bề mặt của các tế bào hồng huyết cầu. Đây là một cơ chế bảo vệ giúp cơ thể phân biệt máu của chính mình. Mỗi người đều được thừa hưởng các gene từ cha mẹ của mình để xác định nhóm máu, cũng như xu hướng có kháng nguyên này hay không.

Trẻ sơ sinh bị bệnh tán huyết cần được điều trị bằng đèn chiếu.

Trong máu của mỗi người đều có yếu tố Rh dương hoặc Rh âm. Các kháng nguyên D có mặt trong 85% dân số, nghĩa là phần lớn dân số có nhóm máu dương. Trong 15% còn lại, không có các kháng nguyên D, nghĩa là những người trong số này có nhóm máu âm. Vấn đề phát sinh khi một người mẹ có nhóm máu âm nhưng mang thai đứa con có nhóm máu dương. Bệnh Rhesus, còn gọi là bệnh tán huyết ở trẻ sơ sinh, là một biến chứng có thể xảy ra khi người mẹ sản xuất kháng thể chống lại các tế bào hồng cầu có Rh dương của em bé.

Nếu người mẹ có Rh âm kết hợp với người cha cũng có Rh âm thì khi thụ thai, em bé sẽ không có vấn đề gì. Em bé cũng sẽ có nhóm máu có Rh âm nên không có việc sản xuất kháng thể. Tương tự, khi người mẹ có Rh dương thụ thai một em bé với một người đàn ông có Rh âm thì cũng không có vấn đề gì xảy ra. Những ông bố có nhóm máu dương có thể mang một gene dương và một gene âm. Vì dương chiếm ưu thế nên nhóm máu của những ông bố này được phân loại là dương. Con cái của những người này sẽ có cơ hội tương đương 50:50 là dương hoặc âm. Nhưng nếu người bố có hai gene dương thì tất cả các con của ông sẽ là Rh dương.

Bệnh Rhesus diễn ra như thế nào?

Khi người mẹ có Rh âm tiếp xúc với máu của đứa con có Rh dương, người mẹ có khả năng sẽ có phản ứng miễn dịch. Trong suốt thai kỳ khỏe mạnh bình thường cho đến khi sinh, thông thường sẽ không có tình huống máu mẹ và máu con tiếp xúc hòa lẫn với nhau. Tuy nhiên, ngoài quá trình chuyển dạ sinh con cũng có những lúc tình huống này có thể xảy ra.

Những bà mẹ có Rh âm bị chảy máu âm đạo trong quá trình mang thai hoặc những người đã từng đình chỉ thai vẫn có khả năng phơi nhiễm máu Rh dương của thai nhi. Cũng giống như cách mà một người bị dị ứng với thức ăn nào đó có phản ứng chống lại thức ăn đó, ở đây, cơ thể của người mẹ sẽ phản ứng với các kháng nguyên lạ đến từ máu của đứa con.

Khi đó cơ thể người mẹ sẽ sản xuất ra các kháng thể, gọi là kháng thể anti D để chống lại các tế bào hồng cầu mang Rh dương của em bé xâm nhập vào các hệ thống của cơ thể mình. Nếu trong tương lai, người mẹ mang thai em bé tiếp theo có Rh dương thì các kháng thể anti D có sẵn này sẽ đi qua nhau thai và tấn công các tế bào hồng cầu của em bé gây ra bệnh tán huyết. Những em bé sơ sinh bị huyết tán (bệnh Rhesus) nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm tính mạng.

Ðiều trị bệnh huyết tán ở trẻ sơ sinh (bệnh Rhesus)

Các em bé bị bệnh này sinh ra sẽ bị thiếu máu và vàng da, nghĩa là do dự trữ sắt không đủ và nồng độ bilirubin trong máu cao. Những em bé này thường phải được truyền máu (thay máu). Đây là một việc cần phải được chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Việc này sẽ giúp loại bỏ các kháng thể anti D.

Trẻ sơ sinh bị bệnh tán huyết cũng có thể cần điều trị bằng đèn chiếu và giám sát chặt chẽ nồng độ sắt và bilirubin trong máu. Nếu em bé bị bệnh tán huyết nặng, nó có thể gây sẩy thai hoặc em bé bị chết lưu. Lượng bilirubin cao có thể vượt qua máu di chuyển đến não và gây tổn thương não (bệnh vàng da nhân).

Có thể phòng ngừa cho các lần mang thai sau?

Bệnh Rhesus có thể được ngăn chặn khi người mẹ mang Rh âm được tiêm một hợp chất đặc biệt gọi là kháng thể anti D, trong vòng 72 giờ sau khi sinh em bé. Nó sẽ giúp ngăn cản cơ thể người mẹ sản xuất kháng thể kháng Rh dương có khả năng gây ra các vấn đề cho những lần mang thai tiếp theo. Mặc dù vậy, với các bà mẹ có Rh âm thì việc xét nghiệm máu để xác định mức độ kháng thể anti D sẽ được thực hiện định kỳ trong suốt các thai kỳ tiếp theo.

Tiêu chuẩn quy định khám tiền sản cho các bà mẹ vào giai đoạn sớm của thai kỳ là kiểm tra nhóm máu. Nếu người mẹ có nhóm máu âm, điều này sẽ được ghi vào hồ sơ và sau đó, vào khoảng tuần thứ 28 của thai kỳ, mẹ sẽ được xét nghiệm máu lại để xem đã có kháng thể hay chưa.

Việc tiêm anti D cho người mẹ là đặc biệt quan trọng vì nếu không thì các em bé của người mẹ này trong các lần thai sau có thể bị ảnh hưởng. Nếu em bé bị bệnh tán huyết nặng, có thể bị sẩy hoặc bị chết lưu.

BS. Trần Kim Anh

Những thực phẩm giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường

Củ nghệ

Các nghiên cứu cho rằng chất curcumin - một hợp chất được tìm thấy trong củ nghệ - có thể giúp trì hoãn hoặc phòng ngừa bệnh tiểu đường. Có nhiều nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định những ảnh hưởng lâu dài của củ nghệ. Tuy nhiên, các kết quả sớm cho thấy rất hứa hẹn.

Dâu tây

Dâu tây có hương vị thơm ngon. Các nhà khoa học cho ​​rằng ăn dâu tây sẽ giúp kích hoạt một loại protein trong cơ thể làm giảm cholesterol LDL và lipid máu. Cả hai điều này đóng một vai trò trong sự phát triển bệnh tiểu đường. Ngoài ra, các nhà khoa học đã thực hiện những thí nghiệm trên chuột và thấy rằng ăn dâu tây có lợi trong việc giảm lượng đường trong máu.

thuc pham ngua benh tieu duong

Pho-mát và sữa chua

Các chuyên gia tin rằng các vi khuẩn lành mạnh được tìm thấy trong các sản phẩm sữa lên men này có tác dụng có lợi cho sức khỏe.

Rượu vang đỏ

Resveratrol - một hợp chất có trong rượu vang - đỏ giúp cải thiện chức năng đường huyết bằng cách điều tiết hormon insulin. Tuy nhiên, không nên uống nhiều. Uống điều độ là chìa khóa để khỏe mạnh.

Quế

Quế có nhiều lợi ích sức khỏe. Nó giúp làm giảm đường huyết lúc đói. Ngoài ra, nó được cho là làm giảm hàm lượng triglycerid, cholesterol xấu và cải thiện độ nhạy insulin. Hãy rắc một chút bột quế vào cà phê hoặc bánh mì nướng.

Táo

Anthocyanin - một hợp chất có nhiều trong táo - giúp điều chỉnh lượng đường huyết.

Rau bina

Rau bina rất giàu chất dinh dưỡng do vậy là một loại rau rất lành mạnh. Một nghiên cứu của Anh cho thấy ăn rau bina hàng ngày giảm 14% nguy cơ tiểu đường.

BS Tuyết Mai/univadis

(Theo Timesofindia)

Có nên thường xuyên xông mũi họng bằng nước muối?

Nhà cháu có mua máy để xông mũi họng cho con cháu theo đơn của bác sĩ. Hiện nay, con cháu điều trị xong, máy để không. Cho cháu hỏi cháu có thể xông nước muối cho con cháu hàng ngày không ạ?

Đào Như Quỳnh(daoquynh@gmail.com)

Xông mũi họng ở trẻ nhỏ qua mặt nạ còn gọi là khí dung. Khí dung được dùng hỗ trợ trong chữa trị một số bệnh lý ở đường hô hấp cấp như viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phế quản, viêm xoang hoặc mạn tính như hen suyễn. Và nhờ vào xông khí dung, nhiều trẻ đã không cần phải dùng thuốc uống, hạn chế được rất nhiều tác dụng phụ do thuốc gây ra. Đối với bệnh viêm mũi xuất tiết, chỉ cần xông hoặc nhỏ nước muối sinh lý là có thể khỏi. Còn các bệnh khác tùy theo cấp độ nặng nhẹ mà bác sĩ có chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm… toàn thân kết hợp với khí dung để tăng thêm hiệu quả điều trị. Trường hợp con bạn đã khỏi bệnh rồi thì không nên lạm dụng máy xông khi không có chỉ định của bác sĩ. Một trong những biến chứng của việc xông mũi họng là có thể gây phản xạ co thắt phế quản ngay lúc đó. Ngoài ra, thủ thuật này cũng có những quy định chặt chẽ. Cụ thể, mỗi một lần khí dung thì phải thay bộ dây hoặc phải tiệt trùng dây, trong khi ở nhiều gia đình chỉ dùng một cái hết tháng này qua tháng khác. Hậu quả là bộ dây có thể lắng đọng vi trùng và vô tình lại đưa thêm vào mũi họng trẻ, thành ra lợi bất cập hại.

BS. Vũ Ngọc Anh

Đau bụng dưới ở phụ nữ

Đau bụng là chứng bệnh thường gặp không chỉ của nam giới, mà phụ nữ đều có thể gặp phải. Cấu tạo cơ thể của phụ nữ càng tạo điều kiện xuất hiện nhiều các triệu chứng đau bụng, bởi đây là nơi tập trung các cơ quan sinh sản (phần phụ) của nữ giới.

Tuy nhiên nhiều người lầm tưởng rằng đau bụng dưới là đau phần phụ này, điều này hoàn toàn sai. Có rất nhiều nguyên nhân gây đau bụng, cần phân biệt rõ để loại trừ các loại bệnh tật có thể có với bất kỳ phụ nữ ở lứa tuổi nào.

1,Đau vùng chậu là gì?

Đau vùng chậu liên quan đến các cơn đau ở vùng bụng dưới rốn. Cơn đau này có thể báo hiệu về các bệnh liên quan đến sinh sản, rối loạn tiêu hóa, hay thậm chí có bệnh còn đe dọa đến tính mạng. Để tìm đúng nguyên nhân khiến phụ nữ đau vùng chậu hãy đến gặp bác sĩ để xác định đúng bệnh và điều trị đúng nguyên nhân.

2, Viêm ruột thừa

Các triệu chứng đau bụng dưới bao gồm đau nhói ở bụng dưới bên phải, nôn và sốt. Nếu bạn có những triệu chứng này, hãy đến ngay bác sĩ vì đây là trường hợp khẩn cấp. Nếu không phẫu thuật cắt bỏ phần ruột thừa viêm này nó sẽ lan nhiễm trùng trong ổ bụng, có thể dẫn đến tử vong.

3, Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn tiêu hóa mạn tính gây ra các cơn đau bụng, chuột rút, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón. Chúng xuất hiện khi thay đổi chế độ ăn uống, trong tình trạng căng thẳng...

4, Đau bụng do rụng trứng

Nếu bạn bị đau bụng dưới với những cơn đau nhói vào thời kỳ rụng trứng của phụ nữ, điều này xảy ra ở rất nhiều người. Khi rụng trứng, buồng trứng thường rụng một quả trứng cùng với một số chất dịch và máu, điều này gây kích ứng niêm mạc của bụng gây ra các chứng đau.

5, Hội chứng tiền kinh nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt xảy ra ở bất kỳ phụ nữ nào, nó làm người đó tính khí thất thường, nổi mụn trứng cá, nhức đầu, đau bụng, chuột rút. Thay đổi nội tiết (hormone) trong một chu kỳ kinh nguyệt ) là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Tăng cường vận động thể dục thể thao, bổ sung vitamin có thể làm giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt này.

6, Mang thai ngoài tử cung

Đây là một tình trạng có thể đe dọa tính mạng. Nó xảy ra khi một phôi hình thành và phát triển ở ngoài tử cung, thường là ống dẫn trứng. Các triệu chứng bao gồm đau vùng chậu mạnh hoặc chuột rút (đặc biệt là ở một bên), chảy máu âm đạo, buồn nôn và chóng mặt. Trường hợp này người bệnh cần phải đến gặp bác sĩ ngay.

7, Bệnh viêm vùng chậu

Một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh là bệnh viêm vùng chậu là vô sinh ở nữ giới. Bệnh có thể gây tổn thương ở tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng. Các triệu chứng bao gồm đau bụng, sốt, dịch tiết âm đạo bất thường, đau khi quan hệ tình dục hoặc mót tiểu, trong trường hợp nặng có thể phải phẫu thuật.

8, U nang buồng trứng

Một u nang buồng trứng thường là vô hại, nhưng nếu u nang này ngày càng to, nó gây ra đau vùng chậu, tăng cân và đi tiểu thường xuyên. U nang buồng trứng có thể được phát hiện bằng khám phụ khoa hoặc siêu âm.

9, U xơ tử cung

U xơ tử cung thường phát triển ở thành tử cung được gọi là u xơ, nhưng đây không phải là ung thư.U xơ tử cung thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi 30 và 40 và thường không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể gặp các triệu chứng như đau bụng, đau lưng, kinh nguyệt hay quan hệ tình dục bị đau, hoặc khó khăn trong việc mang thai. .. Bác sĩ có thể can thiệp loại bỏ u xơ tử cung nếu nó ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn.

10, Lạc nội mạc tử cung

Ở một số phụ nữ, mô nội mạc tử cung lại phát triển bên ngoài tử cung, nó có thể xuất hiện ở buồng trứng, ống dẫn trứng, bàng quang, ruột, và nhiều bộ phận khác của cơ thể. Sự phát triển bất thường đó khiến cho người phụ nữ bị đau đớn và đây là căn nguyên không thể mang thai ở phụ nữ.

11, Nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu là vi trùng xâm nhập vào đường tiết niệu tấn công bất cứ nơi nào từ niệu đạo, bàng quang, niệu quản. Nó gây ra các triệu chứng như đau bụng, đi tiểu đau, buốt và lúc nào cũng mót tiểu. Nhiễm trùng đường tiết niệu thường không nghiêm trọng nếu được điều trị kịp thời. Nhưng khi nó lây lan đến thận, nó có thể gây tổn thương vĩnh viễn. Các dấu hiệu của nhiễm trùng thận bao gồm sốt, buồn nôn, nôn, và đau ở một bên ở vùng lưng dưới.

12, Sỏi thận

Sỏi thận là hỗn hợp gồm muối và khoáng chất có trong nước tiểu, chúng có thể nhỏ như một hạt cát hay lớn như những viên sỏi to. Khi viên sỏi di chuyển từ thận đến bàng quang của bạn, nó gây ra những cơn đau ở bụng hoặc vùng xương chậu. Nước tiểu của bạn có thể chuyển sang màu hồng hoặc màu đỏ như máu.

13, Viêm bàng quang kẽ

Viêm bàng quang kẽ (IC) là một tình trạng đau mãn tính liên quan đến viêm bàng quang. Những người bị IC nặng đi tiểu nhiều lần mỗi giờ. Các triệu chứng khác bao gồm áp lực trên vùng mu, đi tiểu đau và đau trong khi quan hệ tình dục. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ từ 30 - 40.

14, Các bệnh lây truyền qua đường tình dục

Đau buốt bụng dưới vùng chậu là một dấu hiệu cảnh báo đối với một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs). Phổ biến nhất là nhiễm Chlamydia và bệnh lậu. đây là 2 nhiễm khuẩn có thể gây đau vùng chậu, đi tiểu đau, chảy máu giữa chu kỳ, tiết dịch âm đạo bất thường. Nếu xuất hiện các triệu chứng trên cần tìm đến bác sĩ để chữa bệnh, tránh lây bệnh cho người bạn tình của mình..

15, Đau do sa tạng

Ở những phụ nữ có tuổi, xuất hiện chứng sa tạng, điều này cũng gây chứng đau vùng chậu. Những bộ phận dễ bị sa nhất bao gồm bàng quang hay tử cung. Đây không phải là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nhưng nó có thể gây khó chịu. Các triệu chứng phổ biến nhất là tăng áp lực đối với các thành âm đạo, cảm giác đầy ở bụng dưới, khó chịu ở háng hoặc thắt lưng, quan hệ tình dục đau đớn.

16, Hội chứng tắc nghẽn vùng chậu

Giãn tĩnh mạch thường xảy ra ở chân (nhìn thấy ở đây trong bắp đùi), và đôi khi họ có thể phát triển ở khung chậu. Máu tràn trong các tĩnh mạch vùng chậu, làm cho chúng trở nên sưng lên và đau. Đây được gọi là hội chứng sung huyết vùng chậu. Cơn đau có tăng lên khi bạn ngồi hoặc đứng.

17, Đau do sẹo

Nếu bạn đã từng trải qua các phẫu thuật ở vùng bụng, chậu hoặc thấp hơn, chẳng hạn như mổ ruột thừa, hoặc phẫu thuật do nhiễm trùng ở khu vực này, bạn có thể bị đau liên tục từ mô sẹo. Nhiều trường hợp là do dính ở bụng gây đau. Những cơn đau do sẹo thường gần thời điểm bạn vừa trải qua một đợt phẫu thuật nào đó ở ổ bụng, nếu không phải bạn vừa phẫu thuật ổ bụng, cần nói điều này cho bác sĩ biết để tìm nguyên nhân chính xác gây bệnh và điều trị hiệu quả.

18, Đau khi quan hệ tình dục

Đau khi quan hệ tình dục có thể do nhiều nguyên nhân, điển hình nhất là do nhiễm trùng âm đạo, thiếu chất dịch tiết (khô âm đạo), hoặc nhiều chứng đau mà ngày nay y học vẫn chưa rõ nguyên nhân. Đau khi quan hệ tình dục là một chứng đau khó nói ra, khi gặp phải triệu chứng đó, bạn cần đến ngay bác sĩ sản phụ khoa để tìm đúng nguyên nhân. Có rất nhiều loại bệnh tật khiến phụ nữ bị đau khi quan hệ tình dục. Nặng thì có thể còn xuất huyết khi quan hệ.

19, Đau vùng chậu mạn tính

Đau vùng chậu xảy ra bên dưới rốn và kéo dài ít nhất 6 tháng thường được chẩn đoán là chứng đau vùng chậu mạn tính, nhiều khi nó ảnh hưởng cả tới cuộc sống và giấc ngủ của bạn. Đối với những trường hợp này, cách tốt nhất là tìm đến một bác sĩ chuyên khoa.

Hải Yến

(Theo WebMD)

Nguy cơ suy giảm thính lực do ngộ độc thuốcNguy cơ suy giảm thính lực do ngộ độc thuốcBéo phì dễ mắc 10 bệnh ung thư phổ biếnBéo phì dễ mắc 10 bệnh ung thư phổ biếnNgười bị hoa mắt, chóng mặt nên ăn gì?Người bị hoa mắt, chóng mặt nên ăn gì?